Với quyết tâm thoát nghèo bằng con đường học tập, vợ chồng bà Nguyên, ông Cảnh cần mẫn bới từng đống rác, nhặt nhạnh từng chút phế liệu để nuôi các con học đại học.
Những ngày cận Tết, vợ chồng bà Trần Thị Nguyên, ông Lương Xuân Cảnh ở xã Hợp Thành (Yên Thành, Nghệ An) vẫn đạp xe cà tàng đèo hai chiếc sọt rời khỏi nhà từ lúc tinh mơ để nhặt tìm phế liệu.
Nhà nghèo, lại có tới 7 đứa con, hai ông bà suốt ngày đầu tắt mặt tối với mấy sào ruộng và đàn gà. Cũng vì nghèo, sau khi học xong chương trình phổ thông, 3 con gái đầu của bà Nguyên phải gác lại ước mơ vào đại học để đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Với suy nghĩ nếu bắt các con dừng lại ở chương trình phổ thông thì cuộc đời khó thay đổi, ông bà động viên các con học hành, không phải bận tâm kiếm tiền giúp bố mẹ. Không phụ lòng đấng sinh thành, lần lượt 4 con trai của ông bà đều vào đại học trong sự ngỡ ngàng của bà con trong xã.
Nhờ chiếc xe đạp và đôi sọt tre, bà Nguyên cùng chồng đã nuôi 4 con học đại học.
Đầu tiên là người anh Lương Xuân Triều (32 tuổi) thi đậu ĐH Thể dục Thể thao Từ Sơn và tiếp tục học lên cao học. Cậu em trai Lương Xuân Phú (27 tuổi) tốt nghiệp ĐH Công Nghệ Thông tin, hiện học cao học. Lương Xuân Quý (24 tuổi) tốt nghiệp ĐH Thể dục Thể thao và đang là học viên cao học. Em út Lương Xuân Quang (21 tuổi) cũng đang là sinh viên ngành thể dục thể thao.
Không giấu niềm vui về 4 con trai đã thoát cảnh làm ruộng, bà Nguyên cho biết chính chiếc sọt phế liệu cùng cái xe đạp cà tàng đã giúp các con bà thay đổi. Khi thấy con chăm ngoan, có ý chí học tập và lần lượt thi đậu đại học, hai ông bà xoay như chong chóng cũng không đủ tiền gửi cho con. Cùng với việc nhận thêm ruộng khoán, làm thuê, tăng gia chăn nuôi, bà Nguyên phải làm thêm nghề nhặt phế liệu.
Từ khi mặt trời chưa nhú khỏi rặng tre đầu làng, bà Nguyên đã đạp xe ra khỏi nhà. Với chiếc móc sắt, bà tẩn mẩn bới từng đống rác để tìm những lon bia, chai nhựa, tấm bìa giấy mà người ta vứt đi. Sau khi đầy sọt, bà lại mang ra đại lý phế liệu bán. Những đồng tiền lẻ được chắt bóp để hàng tháng gửi cho các con.
Dù năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng bà Nguyên vẫn cần mẫn, tỉ mỉ nhặt nhạnh từng tí phế liệu trên khắp các ngõ ngách.
Thấy vợ quá vất vả, ông Cảnh dù tuổi nhiều, sức khỏe kém vẫn sắm sọt tre, đạp xe đi nhặt rác cùng vợ. "Nhiều hôm nắng, đạp đến rạc chân, mùi rác rưởi, xú uế nồng nặc, hai vợ chồng đều tính bỏ, nhưng nghĩ đến đồng tiền có được sẽ giúp các con thoát nghèo nên chúng tôi lại quên hết mệt nhọc, động viên nhau tiếp tục cố gắng", bà Nguyên tâm sự.
Bà Nguyên kể, thời kỳ vất vả nhất là lúc cả 4 đứa cùng học đại học. Khi đó, bà phải vay tiền ngân hàng và mượn của anh em, hàng xóm để hàng tháng gửi tiền cho các con. Thương cha mẹ vất vả, nhiều đợt các con bà định nghỉ học để đi làm, nhưng bà Nguyên nhất quyết không chịu, bắt các con phải cố gắng học hành.
Hiện nay, số tiền vay mượn cho các con ăn học lên tới vài chục triệu, nhưng ông bà không một lời ca thán. "Đời cha mẹ khổ cực rồi cũng sẽ qua. Vất vả trong mấy năm để cuộc đời các con thay đổi thì không có gì phải kêu ca. Dù bán nhà cũng phải cho các con ăn học", bà Nguyên nói.
Nói về gia đình nhặt phế liệu nuôi 4 con học đại học, ông Nguyễn Xuân Lý, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết, ông bà Cảnh Nguyên thực sự là tấm gương vượt khó được chính quyền và nhân dân xã Hợp Thành ghi nhận, nể phục.
Theo VnExpress